Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

Người đẹp.... (trích blog của @Phượng Tím)

“NGƯỜI ĐẸP BÌNH DƯƠNG” THẨM THÚY HẰNG

Hồi còn đi học lớp diễn xuất điện ảnh, có lần nghe nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân nói về các diễn viên điện ảnh mà ông yêu thích, ông có nhắc đến nữ diễn viên Thẩm Thúy Hằng. Trong cách nói chuyện với các học trò của mình, ông bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình trước một ngôi sao về sự ảnh hưởng trong lòng của công chúng Việt. Ông còn nói những diễn viên sau này, chưa có tìm ra một gương mặt nào có mức ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng như nghệ sỹ ưu tú Thẩm Thúy Hằng….


Ngày ấy

Tên thật của Thẩm Thúy Hằng là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1941 tại Hải Phòng, và lớn lên tại An Giang. Vào lứa tuổi 16 hồn nhiên mơ mộng, như bao cô gái, Nguyễn Kim Phụng cũng có những ước mơ, nhiều khát khao, đam mê cháy bỏng. Cô mong muốn khám phá những mới mẻ trong cuộc sống và được đi đến nhiều nơi trên thế giới. Vào một ngày tình cờ gần như là định mệnh, Phụng vô tình nhận được từ tay cô bạn thân một trang báo có đăng quảng cáo cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân, điều hấp dẫn với cô không phải là được trở thành một ngôi sao danh tiếng, mà là do trong thể lệ cuộc thi, người đoạt giải sẽ được sang Hồng Kông theo học lớp đào tạo diễn xuất. Mà Phụng thì rất ham thích được đi nước ngoài để mở mang tầm mắt. Giấu Cha, Mẹ, Phụng đã cùng cô bạn thân ghi tên dự thi. Phụng lén giấu chiếc áo dài của chị vào trong cặp bước đến nơi thi tuyển. Giữa muôn ngàn đóa hoa hương sắc, những gương mặt sáng ngời nổi bật của những Kim Vui, Mộng Tuyết, Thu Trang, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh… đã làm cho Phụng chùn bước, phân vân. Chính bà Mỹ Vân đã tinh ý khi phát hiện Phụng, bà đã đến động viên khuyến khích cô mạnh dạn bước vào vòng thi. Và việc gì đến cũng đến, cô nữ sinh Nguyễn Kim Phụng đã vượt qua hơn 2000 thí sinh, bước lên đài vinh quang bằng giải nhất của cuộc tuyển lựa

Nguyễn Kim Phụng từ từ bỏ đi chiếc áo dài trắng nữ sinh để bước vào thế giới của sự nổi tiếng với nghệ danh là Thẩm Thúy Hằng. Từ vai diễn đầu tiên: Tam nương trong bộ phim Người Đẹp Bình Dương của đạo diễn Nguyễn Thành Châu, đóng cặp với nam diễn viên trẻ Nguyễn Đình Dần (vai Hoàng tử). Nhân vật đã hòa nhập vào cuộc đời, sống bền lâu trong ký ức người xem, đưa Thẩm Thúy Hằng bước lên ngôi vị diễn viên khả ái nhất của màn ảnh Sài gòn vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60…

Thẩm Thúy Hằng với nhan sắc trời cho đã làm cho khán giả mọi tầng lớp yêu thích, tạo nên sức hút không thể tưởng tượng và kéo khán giả đến rạp. Thành công nối tiếp thành công, Thẩm Thúy Hằng là đại diện của biểu tượng sắc đẹp miền Nam. Hình ảnh của nàng Chức nữ liễu yếu đào tơ vừa hát vừa bay về trời trong nhạc cảnh Chức nữ về trời của nhạc sĩ Phạm Duy soạn cho bộ phim Ngưu Lang Chức Nữ do hãng Mỹ Vân sản xuất, NSND Năm Châu làm đạo diễn, đến nay vẫn còn in đậm những ký ức đẹp trong lòng khán giả lớn tuổi.

Rồi những hợp đồng đóng phim thi nhau mời gọi, nhan sắc và tài năng của Thẩm Thúy Hằng ngày càng đi lên đỉnh cao của nghệ thuật, nhanh chóng đưa tên tuổi của Hằng trở thành ngôi sao số một. Những phim mà chị tham gia thời đó là: Trà Hoa Nữ, Tấm Cám, Sự Tích Trầu Cau, Bạch Viên Tôn Cát, Sài Gòn Vô Chiến Sự, Nửa Hồn Thương Đau, Đôi Mắt Huyền, Oan Ôi Ông Địa, Tơ Tình, Nàng, Bóng Người Đi, Ngậm Ngùi, Mười Năm Giông Tố, Sóng Tình, Xin Đừng Bỏ Em…

Năm 1969, Thẩm Thúy Hằng lập nhóm làm phim Thẩm Thúy Hằng (tiền thân của Vilifilms). Phim đầu tay chị chọn làm là Chiều Kỷ Niệm, thuộc thể loại tình cảm xã hội do Lê Mộng Hoàng đạo diễn. Nhờ những tên tuổi nổi tiếng như Thanh Tú, Năm Châu, Kim Cúc, NSND Phùng Há, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, mà bộ phim đen trắng này đã tạo nên một kỷ lục gây ngạc nhiên trong giới nghệ thuật miền Nam thời đó bởi thành công ngoài mức tưởng tượng. Thẩm Thúy Hằng thừa thắng xông lên thực hiện tiếp phim màu Như Hạt Mưa Sa. Danh tiếng và địa vị của chị càng được nâng cao hơn nữa khi chị xuất hiện tại các LHP Hồng Kông, Đài Loan, Hàn quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonésia…

Cuối năm 1974, với cương vị là giám đốc hãng Vilifilms, chị đã gặp gỡ và bàn kế hoạch thực hiện bộ phim Hòn Vọng Phu, dựa theo kịch bản của soạn giả Hoàng Khâm, ngoài ra còn khởi quay bộ phim chiếu tết năm 1975 Chàng Ngốc Gặp Hên, và cùng thể nghiệm với đạo diễn Lê Hoàng Hoa bộ phim kinh dị Giỡn Mặt Tử Thần…

Không dừng ở điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn thử sức mình ở kịch nghệ, Cải lương, tân nhạc… Trước năm 1975, ban kịch Thẩm Thúy Hằng được xếp vào một trong 10 ban kịch tiêu biểu của kịch nghệ miền Nam, riêng chị nhiều lần được bầu chọn là một trong 12 diễn viên vững chắc của ngành kịch. Khán giả trước năm 1975 chắc không thể không nhớ đến những vai diễn chính của chị trong các vở: Sông dài, Vũ điệu trong bóng mờ, Người mẹ già, Suối tình, Đôi mắt bằng sứ, Dạt sóng, những vở kịch kinh dị Lúc 0 giờ, những phim được sân khấu hóa như: Đò chiều, Đôi mắt huyền, Oan ơi Ông Địa…

Tháng 4 năm 1975, cả dân tộc Việt Nam hân hoan chào mừng nước Việt Nam độc lập. Thẩm Thúy Hằng vẫn ở lại quê hương. Cùng với những tên tuổi gạo cội khác của nền nghệ thuật miền Nam như Thanh Nga, Kim Cương, Mộng Tuỵền, Bạch Tuyết…, nữ nghệ sĩ khả ái này tiếp tục hoạt động trong nền điện ảnh và sân khấu Cách mạng.

Thời vang bóng của Thẩm Thúy Hằng đã đem về cho chị những giải thưởng điện ảnh quốc tế như: Hai lần đoạt giải Diễn viên xuất sắc Á châu tại Liên hoan phim Đài Bắc, Ảnh hậu Á châu trong LHP Á Châu tổ chức tại Hồng Kông và Đài Loan (1972,1974), được bầu là Nữ diễn viên khả ái nhất vượt qua các đối thủ xinh đẹp đến từ Đông âu, Nhật Bản, Trung quốc, Mông Cổ vào năm 1982.








Và bây giờ…

Hiện nay chị không còn tham gia hoạt động nghệ thuật nữa, một phần do sức khoẻ, một phần do chị muốn khán giả luôn giữ cho mình những kỷ niệm đẹp về một Thẩm Thúy Hằng của quá khứ… Chị có một đam mê khi tuổi tác đã cao là nghiên cứu về Thiền, hằng ngày chị dành nhiều thời gian cho việc ngồi thiền, ăn chay trường…Sau khi sang nhượng lại ngôi nhà thân thương trên đường Cách Mạng Tháng Tám, nơi đã gắn bó với mình suốt một quãng thời gian dài, chị cùng gia đình dọn nhà đi nơi khác. Chồng của chị, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đã mất ngày 29/08/2003 do mắc bệnh tim mạch (thọ 82 tuổi). Thẩm Thúy Hằng sống giản dị trong ngôi nhà mới, yên tĩnh ở khu vực Bình Quới, Tp HCM. Gặp bạn bè đến thăm, chị vẫn vui vẻ khi được khơi gợi lại ký ức về cuộc đời nghệ thuật. Chị thường xuyên tham gia công tác từ thiện để cố gắng trong khả năng của mình đem lại phần nào no ấm hạnh phúc cho những người kém may mắn trong xã hội./.


5 nhận xét:

  1. Ba co mot net dep k lan vao dau duoc Thay nhi.

    Trả lờiXóa
  2. Ai cũng có 1 thời son sắc, 1 thời để yêu, 1 thời được yêu, 1 thời để làm những điều cần phải làm, rồi thì trở về cát bụi ...!

    Trả lờiXóa
  3. Ngày xưa,lúc còn hỏ tuổi,SS cũng đã biết và cũng rất thích TTH thầy ạ !

    Trả lờiXóa