Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

MÚA CÙ .... rằm tháng giêng

MÚA CÙ

Bình Dương thân mật gọi là “ cù ”

Kèn trống nguyên tiêu  khách đến bu

Cóc kẻng đoàn đi  đường nghịt nghẹt

Tùng beng lân múa  khói tù mù

Trèo cây nhào lộn trông tiền thưởng

Đánh trống hò reo rước lộc thu

Đất Thủ đã quen từ thuở ấy

Dấu huyền đọc rõ khác con “ cu ”.

TẾT NGUYÊN TIÊU

Thuở xưa tỉnh Bình Dương có tên là  Thủ Dầu Một, có quốc lộ 13 và đường xe lửa trải dài từ Lộc Ninh xuống Lái Thiêu, người dân ở đây ăn tết rất lâu…. đến tận tối đêm rằm mới chấm dứt sau cuộc diễu hành rước xe hoa và rước cộ Bà trong dịp tết Nguyên tiêu,  trên khắp đường phố từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối, đoàn diễu hành phải đốt đèn măn-xông cách nhau  4 mét!

Từ giao thừa đến ngày rằm là dòng người thập phương đông đảo đi lễ các đền chùa cầu phúc lộc bình an…. Nhưng đáng kể nhất là ngày rằm, cả rừng người khách hành hương từ các tỉnh lân cận nườm nượp ngày đêm đều về trung tâm tỉnh lỵ Thủ Dầu Một, tập trung đông nhất là đền bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (Chùa Bà). Tính bình quân mỗi ngày trên một vạn rưỡi lượt người đến viếng.

Trong dịp lễ, các đoàn nghệ thuật lân sư rồng đều đến biểu diễn, kể cả võ thuật công phu, đấy chính là một trong những điểm nổi bật được nhiều người mến mộ nhất. Đi cà kheo lần đầu xuất hiện năm 1967, múa rồng và sư tử được biểu diễn vào năm 1973, tạm gián đoạn từ 1977 đến 1985, trước đó chỉ có biểu diễn múa lân, hẫu, công phu. Càng về sau thì tiết mục biểu diễn càng nhiều hơn . Trong đó thông thường là múa lân vui nhộn nhất vì có ông địa giỡn với lân leo cây….

Người Bình Dương  (Thủ Dầu Một) gọi thân mật con “lân” là con “cù” (có dấu huyền), do đó nếu ai không biết con “cù” là con gì thì rõ là chưa từng ở Bình Dương  (hiiii….) và được sử dụng trong tiếng lóng “múa cù” nữa trời ạ! (Hiii….). Sau con lân (cù) thêm một con vật truyền thuyết ít người biết đến là con “hẫu”, con hẫu có cái mặt trẹt trán vồ đang nhe nanh, tựa như mặt chó “phóc”, dưới cằm con hẫu là một tấm bùa bát quái dùng để che mặt một thiếu niên đang cầm múa, thân hẫu là vải lụa màu vàng và giũ đuôi là một thanh niên vạm vỡ có sức khoẻ dẽo dai để nâng thiếu niên nầy lên để tạo tư thế đứng, chồm…. Tiếng chiêng trống chủm choẹ để múa hẫu cũng khác với  lân, nhịp 4/4 chậm hơn và nghe như…. “lăn … lăn-hẫu… lăn-hẫu… lăn-xà!....”, nhìn hẫu múa chậm hơn lân nhưng sao giống…múa mèo! (hiii…). Đôi khi có sự cố tức cười là 4 con hẫu đang biểu diễn múa và nằm đất để lăn  …. Cái đầu lăn được hai vòng còn đuôi lăn 4 vòng,  thân con hẫu bị vặn, phải lộ mặt vận động viên lăn trả lại 2 vòng … làm thành một trận cười lộn ruột cho khách xem ! (Hihiiii…)

Đặc biệt là con hẫu không leo cây ăn tiền như lân bao giờ!

Hình như chỉ có Bình Dương là có múa hẫu hay sao đó,  trong các cuộc hội thi biểu diễn hẫu Bình Dương lúc nào cũng chiếm giải nhất toàn quốc!

Hàng năm vào lúc 4h chiều rằm tháng giêng ….. Đoàn diễu hành sẽ đi qua các phố với các nghi thức thông lệ: biểu ngữ hoa văn: “Thiên Hậu Thánh mẫu xuất du” cùng các cờ quạt nghi trượng bảo cái tràng phan …, nhạc lễ, các nam thanh nữ tú gánh câu chúc tết chữ Hán “Tứ quý bình an; Nhất lộ thuận phong; Nhất bản vạn lợi; Phong hoà vũ thuận;  Phú quý cát tường, Hiệp gia bình an … v.v…..”. các xe hoa của các bang: Quảng , Tiều (Triều), Phước Kiến, Hẹ…. , khoảng 80 đoàn nghệ thuật lân sư rồng,  kiệu Bà Thiên Hậu….” và chính thức … Bình Dương đã hết tết ! Sáng ngày sau tiếp tục công việc làm ăn, hẹn 359 ngày nữa sẽ tái ngộ tết Nguyên tiêu lần sau !

 

6 nhận xét:

  1. Đại huynh viết bài này cảm động quá. Tiểu đệ xa quê từ nhỏ nhưng mấy vụ hẫu và cù luôn đọng lại trong ký ức.
    Tiếc rằng kiếp phiêu dạt hải hồ nên không về quê được dịp này.
    Kính chúc Đại huynh luôn mạnh giỏi, đón mùa Xuân mới thiệt vui với quê hương.

    Trả lờiXóa
  2. @Thuyentruongsinbad:
    Hiền đệ Sinbad cứ xem như là bài nầy huynh viết tặng cho đệ nha…. Trước tết chỉ cần xe hồng thập tự đến trễ 5 phút là huynh đệ ta không còn dịp gặp nhau nữa ….. Có lẽ còn nhiều nợ duyên với các bạn blog và bạn hàng “cà ông già” nên chưa chít …. Chúc hiền đệ thật vui khoẻ phát tài cả năm nghen, thân mến nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Bịnh tật là một phần tất yếu của cuộc sống. Mong Đại huynh bảo trọng để trồng cà và blogging.

    Trả lờiXóa
  4. @Sinbad:
    Cảm ơn hiền đệ nhiều, huynh sẽ có bài viết riêng tự sự về việc này …. Thân mến !

    Trả lờiXóa
  5. Huynh ơi! thì ra múa Cù là múa Lân hi.hi..

    Trả lờiXóa
  6. Có lẽ đọc xong bài này chắc chả có ai đối được chú nhể, hihi!

    Trả lờiXóa