Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Ngọc Cam- Ngọc Khổ (6)

NGỌC CAM - NGỌC KHỔ (5)

Hồi thứ 4

Đoàn săn bắn của thái tử đi được 2 ngày thì dân cư thưa thớt dần và ngày thứ ba  vào tới địa phận của Nham Lãnh, càng đi vào sâu thì rừng càng dày đặc, núi cao dốc thẳng, nhưng không thấy một con thú nào cả. Viên quan tùy tùng nói:

-Tâu điện hạ, thần nghe các bô lão xưa nói vùng nầy xưa nay không có dã thú mà cũng không có người ở, qua khỏi rặng núi cuối cùng là biên giới của 18 nước man tộc chư hầu, song cũng không có ai ở, khi cần thông sứ qua Nam Hà  họ đi đường biển gần hơn và thông thương cũng dễ dàng. Xin điện hạ nên hồi cung kẽo hoàng thượng trông chờ.

Thái tử nói:

-Ta từ nhỏ đến giờ cũng chưa đến nơi đây, sẵn dịp cũng ghé thăm cho biết non sông gấm vóc.

Nói xong thái tử truyền kiểm lại lương thực thấy còn nhiều nên tiếp tục hành trình, đoàn người đi  thêm nửa ngày đã thấy không khí mát dịu, cỏ cây xum xuê  hoa xinh trái ngọt, trong gió có mùi hương thơm thoang thoảng như là nơi chốn thần tiên thoát tục. Phong cảnh núi non đẹp lạ lùng trông dường như rồng chầu hổ phục. Cạnh sườn núi là một con suối  trong mát nhìn thấy tận đáy, hai bờ  bên mọc toàn rau má. thấy từ xa có bầy thỏ đang nô đùa gần bên, thái tử liền giương cung bắn, thình lình trong bầy thỏ có một con nhảy lên cắn được mũi tên của thái tử và ngậm chạy, thái tử thấy lạ  liền truyền quân phi ngựa đuổi theo, qua một lùm cây thì không thấy đâu cả mà chiếc tên con thỏ nầy bỏ lại bên cạnh một chiếc hang!  Thái tử truyền dừng ngựa để quan sát. Viên tùy tùng nói:

-Bẩm điện hạ, nơi đây phong cảnh thật lạ lùng, bên ngoài hang chẳng thấy sơn nhân man tộc, còn trong kia nếu không phải hang thỏ thì cũng có yêu ma quái vật, xin điện hạ cẩn thận đề phòng.

Thái tử nói:

-Ngươi truyền cho lính chặt cây chất quanh hang phóng hỏa, nếu quái vật xông ra thì đập chết ngay để trừ hậu họa cho bá tánh, còn như là thỏ rừng thì sẵn lửa ta nướng làm bữa khao quân

Nói xong, đoàn lính chất củi đốt quanh hang, khói bay mù mịt. Trong hang Ngọc Cam khiếp hãi than khóc vang trời:

-Bớ quan lớn! Tôi là người ta chẳng phải yêu ma quái vật, xin quan lớn thương tình tha tội chết.

Thái tử giật mình truyền lấy nước dập tắt ngay và nói:

-Nếu là người ta, mi hãy ra ngay, nếu không ra thì mi chính là quái vật, ta dập chết tươi  ngay.

Ngọc Cam trong hang khóc kể nói vọng ra ngoài:

-Bớ quan lớn, thân tôi lõa lồ lấy lá che thân, lúc nãy quan lớn sai binh lính phóng hỏa, áo tôi đã thành dòn nát còn đâu làm khố che mình. Quan lớn không thương tình tha cho tôi thì quan lớn cũng bị phạm tội giết hại  dân lành, xin quan lớn mau mau lui binh về chốn thị thiềng, bằng không tôi tự vận trước mắt quan lớn.

Thái tử giật mình, không ngờ trong hang lại có người, chàng nói:

-Nếu là người, sao mi không về chốn dân cư, tại sao ở đây như thế ni?

-Bẩm quan lớn, hai chị em gái tôi là ăn mày nghèo khổ chỉ có nửa cái chăn thay phiên nhau vấn làm khố đi xin ăn, hôm nay em tôi chưa về nên đành lõa lồ thân thể, lấy lá che mình, lấy hang làm nhà, xin quan lớn thương tình tha tội.

Thái tử truyền quân sĩ đưa áo cho nàng mặc và gọi nàng ra hỏi việc. Ngọc Cam tạm mặc vào và bước ra ngoài, một nhan sắc thiên kiều bá mỵ, rõ là một tiên nga giữa thế đẹp tuyệt trần,  cả người nàng bỗng nhiên tỏa sáng rực rỡ, cả đoàn đi săn ngạc nhiên kinh sợ…. Thái tử mê mẫn cả tâm thần, chàng nói:

-Ta không phải là quan lớn mà chính là đương kim thái tử, nhân hôm nay tình cờ đi ngang đây mới biết được nàng, vậy nàng cho ta biết gốc tích cha ông, gia cảnh vì sao nên nổi cơ hàn hành khất ?

Ngọc Cam sa nước mắt khấu đầu đáp:

-Bẩm điện hạ, ông ngoại của tôi là thừa tướng tiền triều hồi hưu, vì gia cảnh sống thanh bần nên không có của cải, chỉ có một người con gái không chồng, sau khi ông bà mất, người con gái đó tên là Ngọc Nữ  làm nghề  hành khất và vào non Nhai Lãnh tu niệm đến bảy mươi hai tuổi tắm suối vớt được hai múi bưởi, kỳ lạ thay khi bà ăn hai múi bưởi này thì  thọ thai, lúc năm tý tháng tý, ngày tý, giờ tý bà  sinh ra hai gái là chị em tôi, lấy họ ngoại và đặt tên chị là Ngọc Cam, em là Ngọc Khổ, nay thì em tôi đến lượt đi xin, tôi không quần áo nên ngồi trong hang, xin điện hạ làm phước cho  tôi ở đây chờ em về để đổi lượt đi xin.

Thái tử nghe qua cảm thấy xót xa trong lòng, nhìn Ngọc Cam thấy quả thật là một trang quốc sắc thiên hương nguyệt thẹn hoa nhường, chàng nghĩ thầm có lẽ ý trời tác hợp lương duyên, thấy  tác phong của Ngọc Cam toát lên nét rực rở oai nghi, nói năng thật  lưu loát thật là đáng bậc hoàng hậu về sau. Chàng nói:

- Nghe nàng kể thật là đau lòng và kính phục quan thừa tướng tiên triều, sẵn xe ngựa  đây ta rước nàng về cung làm bậu bạn và truy tìm Ngọc Khổ để đoàn tụ chị em.

Ngọc Cam kinh hoàng vùng khóc bỏ chạy vào trong  hang trốn, Thái tử chạy theo vào trong hang  níu nàng ra  bày  tỏ chân tình sau đó  kéo lên xe rồng   truyền hồi cung.  Ròng rả mười ngày về đến đông cung, chàng ra lịnh tất cả sĩ tốt phải giữ kín chuyện và canh phòng nghiêm nhặt nội bất xuất ngoại bất nhập, ra lịnh  bà nhủ mẫu thân tín trang điểm cho Ngọc Cam và tổ chức bí mật hiệp hôn. Ngọc Cam khóc ngất nói:

-Tâu thái tử, bần nữ hồng hoang man tộc quê mùa, thái tử là phận ngọc diệp kim chi, ngoài cung thì biết bao nhiêu tiểu thơ  con nhà danh gia thế tộc, điện hạ làm việc nầy sẽ mất quốc thể chư hầu cười chê, trung nguyên dị nghị, xin điện hạ chuẩn y cho bần nữ trở về Nham Lãnh.

Thái tử nói:

-Ta đã hứa với nàng sẽ tìm cho được Ngọc Khổ để chị em đoàn tụ, việc ta đã chọn là quyết ý không từ bỏ, ta sẽ tâu với phụ vương rõ biết việc này, nàng cứ an lòng ở lại đây với ta, đã là thiên duyên tác hợp thì dù tranh hay ngói cũng giống như nhau….

(còn tiếp)

 

2 nhận xét:

  1. hiiiiiiiii............chuyện hay quá nhẹ nhàng dung dị khiến người,đọc như lạc vào cổ tích quên thế giới hiện tại đang lắm thị phi , phiền não, bon chen !Hh viết tiếp đi , ko có còm nhưng có người đọc đấy hh ạ thứ ba thêm nhiều niềm vui và cảm hứng nghen hh!

    Trả lờiXóa
  2. Có còm hay không còm cũng chẳng sao muội ạ....., chủ yếu viết để dành khi rảnh rang xem lại đỡ buồn ..... ngủ :D)), sau khi chấm dứt truyện, huynh sẽ nghỉ giải lao cả hai nhà hơi lâu.... để đi mở lớp tập huấn khuyến nông cho nông dân nghèo ở các thôn ấp....

    Trả lờiXóa